Nữ nông dân khởi nghiệp thành công với Mô hình Nuôi Chồn hương
Hiện nay, mô hình nuôi chồn hương đang phát triển tại một số địa phương trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chị Phạm Văn Kiều Diễm  - Hội viên nông dân thôn Vạn Khánh, xã An Hòa là một trong những hộ nông dân nuôi chồn hương đạt hiệu quả và có cuộc sống ổn định từ mô hình này.
Đưa chúng tôi tham quan trại nuôi chồn hương của gia đình, Chị Diễm cho biết: “Trước khi thực hiện mô hình nuôi chồn hương, tôi làm đủ thứ nghề nhưng thu nhập không ổn định. Đầu năm 2018, trong một lần tình cờ, tôi được đến tham quan mô hình nuôi chồn hương từ một người quen, nhận thấy đây là con vật dễ nuôi và có đầu ra ổn định nên tôi quyết định thử sức với mô hình kinh tế mới này.  
Do chồn hương là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB nên tôi phải xin phép Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định để thực hiện mô hình. Sau khi được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, tôi đầu tư 65 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, khởi nghiệp ban đầu với 5 cặp chồn hương giống từ miền tây về thả nuôi. Tuy nhiên, trong 1 năm đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập quán sống của loài chồn dẫn đến chồn hương không sinh sản, chậm lớn, vào mùa mưa hoặc cho ăn thức ăn lạ hay bị tiêu chảy…”.
Sau khi tự mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet... rồi rà soát lại quy trình nuôi của mình để thay đổi cách nuôi cho phù hợp, chị Diễm điều chỉnh ô chuồng cho phù hợp với lối sống và khả năng sinh sản của chồn hương. Mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con ngủ, có không gian vận động, đồng thời dọn vệ sinh hằng ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. 
Thức ăn của chồn được chị Diễm chú trọng để đảm bảo dinh dưỡng. Để chồn hương sinh trưởng tốt, chị chủ yếu cho ăn chuối chín tưới và cá rô phi sống, cua, ốc bưu vàng, đối với chồn con cho ăn mỗi ngày 02 lần (sáng, tối), còn chồn lớn cho ăn 01 lần vào chiều tối khi đi làm về. Trong quá trình nuôi còn cho chồn sử dụng thêm men tiêu hóa để không bị viêm, bị bệnh về đường tiêu hóa. Khi đã nắm được kỹ thuật, lại có kinh nghiệm, chị Diễm mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi. Đến đầu năm 2020, trại nuôi chồn hương của chị bắt đầu có lãi.
Hiện, trại nuôi chồn hương của chị Diễm có diện tích gần 50 m2, duy trì nuôi thường xuyên gần 40 con chồn lớn, nhỏ. Nói về việc nuôi chồn sinh sản, chị Diễm chia sẻ thêm: “Chồn hương sau 10 đến 15 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Nhưng để chồn đẻ tốt nhất là khoảng 12 tháng tuổi. Trong thời gian này, chồn sinh sản được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi để hạn chế chồn mẹ sau khi sinh thiếu hụt chất sẽ ăn con non. Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán”.
Với gần 4 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, chị Diễm nhận thấy đây là con vật rất dễ nuôi, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc và phối giống thì sẽ đạt được thành công. 
Hiện nay, chị Diễm bán 7 triệu đồng/cặp chồn hương giống, chồn thịt bán với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg.  Trại chị Diễm cung ứng con giống cho các trại nuôi của huyện An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Quy Nhơn. Ngoài ra chị còn xuất đi các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên,.... Sau khi trừ chi phí, cuối năm 2020 gia đình chị Diễm thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ việc bán chồn giống. Sắp tới, chị Diễm sẽ mở rộng thêm cơ sở chăn nuôi chồn hương của gia đình.
Ông Đinh Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão cho biết: “Trại nuôi chồn hương của gia đình chị Phạm Văn Kiều Diễm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Diễm cũng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng chồn hương và cách đăng ký gây nuôi với Kiểm lâm cho một số hộ dân trên địa bàn. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho hội viên, nông dân có nhu cầu tham quan, học hỏi để nhân rộng mô hình chăn nuôi, giúp nâng cao thu nhập”.
Chú thích ảnh: Hơn 4 năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi chồn hương, Chị Phạm Văn Kiều Diễm (Thôn Vạn Khánh, xã An Hòa) đã bắt đầu gặt hái được thành công từ mô hình nuôi chồn hương.